Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học đặc biệt hấp dẫn thí sinh trong các mùa tuyển sinh gần đây. Điểm chuẩn vào ngành này ở các trường tốp đầu khá cao.
Logistics là ngành gì
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Tiếng Anh là Logistics and Supply Chain Management) là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ngành này là chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát luồng chuyển dịch của hàng hoá, kiểm soát nguồn nhiên vật liệu (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát đến nơi tiêu thụ. Là khâu trung gian để đưa hàng hoá từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Hoạt động của Logistic bao gồm: Vận tải hàng hoá xuất & nhập, quản lý kho bãi, đội tàu, quản lý nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, hoạch định cung/cầu
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng học gì?
Học Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên sẽ được trang bị:
Khối kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển; kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức.
Kỹ năng: Kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng tiếng Anh và công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian.
Các môn tiêu biểu:Nguyên lý logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Hệ thống thông tin trong chuỗi cung ứng, Quản lý phân phối, Quản lý bán lẻ, Quản lý tồn kho, Quản lý rủi ro và an toàn trong chuỗi cung ứng, Hệ thống vận tải và hậu cần quốc tế,…
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ra trường làm gì?
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh về tình trạng đáp ứng chất lượng nhân lực ngành logistics thì có hơn 50% doanh nghiệp thiếu nhân viên chất lượng.
Hiện tại Việt Nam có 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực.
Là một trong những ngành đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực, do đó, người học Logistics và Quản lý chuỗi cung ứngsau tốt nghiệp có thể sử dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn đã được đào tạo của mình ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Vị trí việc làm ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sau tốt nghiệp:
- Kỹ sư hoạch định sản xuất, kỹ sư logistics, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng… trong các doanh nghiệp và tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước.
- Nhân viên phụ trách dịch vụ vận tải, logistics tại các cơ quan Nhà nước hoặc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải
- Chuyên viên tại mảng kế hoạch, khai thác thị trường, marketing, dịch vụ khách hàng, quản lí kho vận, hệ thống xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải,…
- Cơ hội thăng tiến trở thành trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch.
- Có thể trở thành Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính tại các công ty, tập đoàn, hoặc khởi nghiệp với việc tự thành lập và điều hành công ty riêng…
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng học trường nào tốt?
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành lai giữa kinh tế và kỹ thuật, hiện được không chỉ mở ở khối trường có thế mạnh kinh tế, kỹ thuật mà còn cả ở các đại học đa ngành.
Có thể tham khảo các trường sau:
Khu vực miền Bắc
Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.
Trường chuyên ngành giao thông, có bề dày đào tạo gần 60 năm, có thế mạnh về đào tạo Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Mỗi năm trường tuyển sinh khoảng 110 chỉ tiêu, theo các khối: A, A 1, D1, D7.
Điểm trúng tuyển năm 2020 (25 xét điểm thi THPT), (26,65 xét học bạ)
Học phí của trường còn thấp. Năm học 2020-2021 học phí áp dụng cho các ngành thuộc khối Kinh tế như Logicstic là 275.200 đồng /1 tín chỉ. Lộ trình tăng học phí khoảng 10% cho mỗi năm tiếp theo.
Trường ĐH Hàng hải
Trường trọng điểm quốc gia, đi tiên phong trong hội nhập khu vực và quốc tế; là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Châu Á – Thái Bình Dương (AMETAP), Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU) và Hiệp hội Vận tải Biển Quốc tế (BIMCO)
Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các giáo trình về logistics và chuỗi cung ứng từ các trường đại học hàng đầu tại Mỹ, Nhật Bản và được thay đổi, bổ sung, cập nhật thường xuyên để phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
100% giảng viên giảng dạy chuyên ngành đã học tập hoặc được đào tạo ở các nước phát triển trong lĩnh vực logistics và quản trị chuỗi cung ứng như Mỹ, Bỉ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc…
Hỗ trợ sinh viên tham gia 02 đợt thực tập chính tại doanh nghiệp (kiến tập và thực tập nghiệp vụ) và quá trình thực hiện đề án môn học. Tạo điều kiện để sinh viên tham gia các chương trình tập sự tại doanh nghiệp
Điểm chuẩn các năm: 2018 (18), 2019 (22), 2020 (25,25)
Trường ĐH Thương mại Hà Nội.
Trường Đại học Thương mại là trường đại học chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực và hoạt động tự chủ. Học phí trường cao hơn các trường công lập bình thường.
Ngành Logistics thuộc Khoa Marketing , tuyển sinh từ năm 2019. Mặc dù mới mở ngành tuyển sinh vào năm 2019 nhưng Khoa Marketing – Trường Đại học Thương mại đã có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy và đào tạo về logistics.
Khoa từng tiến hành giảng dạy các học phần về logistics cho lĩnh vực thương mại vào nhưng năm 80 của thế kỷ 20 với tên môn học là “Tổ chức kỹ thuật thương nghiệp”, “Hậu cần kinh doanh thương mại” và sau này phát triển thành học phần “Logistics Kinh doanh”.
Trong quá trình học, Nhà trường luôn tạo điều kiện đưa sinh viên đến gần với doanh nghiệp qua các chương trình tham quan học tập (Lazada Express, U&I Logistics, Tân Cảng 128, Bee logistics…), tiếp nhận chia sẻ kiến thức từ những doanh nhân, chuyên gia hàng đầu.
Ngành tuyển sinh các khối A, A 1, D1, D7. Điểm chuẩn năm 2019 (23,4), 2020 (26,5).
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Trường ĐHBK Hà Nội) là trường đại học kỹ thuật có truyền thống, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam.
Cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Trường ĐHBK Hà Nội luôn là địa chỉ thu hút những học sinh ưu tú nhất của cả nước. Với kết quả đạt chứng nhận kiểm định quốc tế năm 2017, xếp hạng trong TOP 300 các trường đại học tốt nhất châu Á năm 2020 theo Times Higher Education, và 2 nhóm ngành xếp hạng 351-400, 2 nhóm ngành khác xếp hạng 451-500 thế giới theo QS WUR by Subject 2020, ĐHBK Hà Nội đang tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo ngành Quản lý công nghiệp trong cả nước, và chuyên ngành đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được đưa vào đào tạo để nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong tương lai.
Tuyển sinh ngành này theo chương trình tiên tiến. Điểm chuẩn 2020 khối A 19 (21,19), các khối còn lại (25,85)
Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội
Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực/ ngành kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán – kiểm toán, luật kinh tế và ngôn ngữ thương mại.
Trường có môi trường đào tạo năng động, sáng tạo, nơi nuôi dưỡng và phát huy các tiềm năng của người học. Đây là cái nôi đào tạo ra những cán bộ quản lý, quản trị, doanh nhân xuất sắc, những công dân toàn cầu đã gặt hái được nhiều thành công trên mọi lĩnh vực không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.
Ngành logistics được xây dựng trên cơ sở tham khảo chuyên ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng của các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Anh, Hà Lan, Australia, Singapore. Sinh viên được giảng dạy với mô hình học tập gắn liền với trải nghiệm thực tế giúp sinh viên có khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Điểm chuẩn 2019 khối A (26,80), các khối còn lại A 1, D 1, D7 (26,30)
Khu vực miền Nam
Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH)
Trường công lập có bề dày về đào tạo chuyên ngành kinh tế, thực hiện cơ chế tự chủ, học phí cao hơn công lập bình thường.
Chương trình đào tạo của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chọn phương pháp problem-based learning – linh hoạt học tại lớp và học trực tuyến.
Bên cạnh phương pháp học tập chủ động, nền tảng giáo trình quốc tế tiên tiến và các tài liệu học trực tuyến mở (LMS) luôn có sẵn, giúp sinh viên có thể chủ động học tập và thiết kế quá trình học tập phù hợp với điều kiện cá nhân.
Suốt quá trình học tập tại UEH, sinh viên được tham gia vào các hoạt động Câu lạc bộ học thuật, các chương trình ngoại khoá, chương trình trao đổi sinh viên quốc tế và những buổi hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia là những Doanh nhân nhiều kinh nghiệm.
Ngành Logistics tuyển sinh từ năm 2020, theo khối A, A 1, D1, D7, điểm chuẩn 27.6
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
Trường đại học giao thông vận tải TP.HCM là trường công lập chuyên ngành giao thông. Không chỉ sở hữu cơ sở vật chất hiện đại mà trường còn có đội ngũ giảng viên hùng. Đặc biệt Trường rất coi hoạt động hợp tác quốc tế, coi đó là chìa khóa thu hút nguồn vốn cho hoạt động đào tạo, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Đối với chuyên ngành logistics của Đại học giao thông vận tải TP. HCM sinh viên không những được đào tạo chuyên sâu với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao mà còn được trải nghiệm thực tế góp phần làm phong phú khối lượng kiến thức và kinh nghiệm.
Ngành Logistics tuyển sinh khối A, A1, D1, điểm chuẩn 2020 theo điểm thi tốt nghiệp (23,5), theo xét học bạ (28,85)
Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 (FTU 2)
Tương tự FPT 1, khu vực phía Bắc.
Ngành Logistics bắt đầu tuyển sinh năm 2019. Điểm chuẩn 2020 là 28,15
Trường ĐH Quốc tế – Đại học quốc gia TP.HCM
Trường Đại học Quốc tế – Đại học quốc gia TP.HCM được thành lập năm 2003. Đây là trường đại học công lập đào tạo đa ngành trong đó những lĩnh vực mũi nhọn là: kinh tế, quản lý, kỹ thuật công nghệ.
Điểm đặc biệt trường Đại học Quốc tế là sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong công tác đào tạo giảng dạy và nghiên cứu.
Sinh viên ngành logistics của Trường Đại học Quốc tế – Đại học quốc gia TP.HCM sẽ được đào tạo với hệ thống đào tạo bao gồm hai ngành chính là: quản trị kinh doanh và ngành kĩ thuật hệ thống công nghiệp. Đặc biệt sinh viên học tập tại tây ngoài việc học trên giảng đường còn có cơ hội va chạm, gặp gỡ nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistic.
Ngành Logistics tuyển sinh khối A, A1, D1, điểm chuẩn 2020 theo điểm thi tốt nghiệp (23,5), theo xét học bạ (28,85)
Trường Đại học Tài chính – Marketing
Trường Đại học Tài chính – Marketing là trường công lập tự chủ tài chính.Chuyên ngành Logistics thuộc ngành KINH DOANH QUỐC TẾ, khoa THƯƠNG MẠI được đào tạo tại Trường, có cả hệ Cao Đẳng, Đại học bao gồm chương trình chất lượng cao và đại trà.
Đội ngũ GV có trình độ cao, có thâm niên giảng dạy về chuyên ngành Logistics và XNK lâu năm, là các chuyên gia về lĩnh vực Hàng Hải, thân thiện và hỗ trợ sinh viên rất nhiệt tình.
Trường còn liên kết với Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) nên có rất nhiều GV từ VLI tới giảng dạy thường xuyên và hỗ trợ sinh viên thực tế tại Doanh Nghiệp
Học phí (tham khảo năm 2020) hệ đại học đại trà thì khoảng 18 -19 triệu/ năm, chất lượng cao khoảng 36 – 37 triệu/ năm.
Nguồn: Truongvietnam